Xin chào Quý bạn đọc, cảm ơn bạn đã quan tâm đến website của Asklaw.com.vn. Công ty Luật TNHH Asklaw sẽ thông tin tới bạn về “Sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thương mại” như sau:
Hoạt động nhượng quyền thương mại là một trong những hoạt động mở rộng kinh doanh phổ biến hiện nay, một số thương hiệu nổi tiếng sử dụng hình thức nhượng quyền như: McDonalds, Pizza Hut, Burger King (Singapore), Lotteria, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Highland Coffee, Aha Cafe…
Nhượng quyền thương mại là chủ thể này chuyển quyền sử dụng một gói quyền thương mại của mình cho chủ thể khác. Gói quyền thương mại đó bao gồm các yếu tố: nhãn hiệu nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền.
Có thể thấy những yếu tố trong gói quyền thương mại chủ yếu là những đối tượng được bảo hộ trong Luật sở hữu trí tuệ.
I. Căn cứ pháp lý
- Luật Thương mại năm 2005 có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2006;
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009,2019.
II. Nội dung
1.Nhãn hiệu hàng hoá
- Nhãn hiệu là một trong những yếu tố quan trọng được các bên chuyển giao cho nhau. Một một chủ thể khi tham gia hoạt động kinh doanh đều mong có thể tạo nên dấu ấn của riêng mình, việc có một nhãn hiệu độc đáo chính là cách hữu hiệu để ghi dấu ấn trong lòng khách hàng. Khi đó việc nhượng quyền nhãn hiệu đồng nghĩa với việc nhượng quyền cả những dấu ấn đó.
- Điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ được quy định tại Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005
“Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác”
- Để tạo dấu ấn trong lòng khách hàng, hiện nay các chủ thể kinh doanh đã không ngừng sáng tạo, tạo ra những dấu hiệu mới lạ, độc đáo giúp người tiêu dùng ghi nhớ tốt hơn những sản phẩm, dịch vụ của mình.
- Tuy nhiên pháp luật quy định về nhãn hiệu hiện nay lại không đáp ứng được nhu cầu đó của chủ thể kinh doanh khi chỉ giới hạn dấu hiệu được bảo hộ làm nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được. Tức dấu hiệu không nhìn thấy được như âm thanh, mùi hương không được bảo hộ làm nhãn hiệu.
- Trong khi đó rất nhiều nước trên thế giới đã bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, mùi hương như: Nhãn hiệu âm thanh chuông điện thoại Nokia; tiếng sư tử gầm, Yahoo…Hay nhãn hiệu mùi hương như: mùi cho chỉ may và chỉ thêu của Hoa Kỳ…
2. Tên thương mại
- Tên thương mại là yếu tố quan trọng tạo nên tính đồng bộ của toàn bộ hệ thống nhượng quyền. Người tiêu dùng sẽ khó hình dung ra các thương nhân trong hệ thống nhượng quyền là thương nhân hoàn toàn độc lập với nhau về tư cách pháp lý và khả năng tài chính. Tính đồng bộ trong toàn hệ thống đặc biệt là đồng bộ tên thương mại làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm rằng các thương nhân nhượng quyền là các địa điểm kinh doanh khác nhau của cùng một chủ thể kinh doanh. Đây là một trong những mấu chốt để các thương nhân mở rộng kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền
- Điều kiện để tên thương mại được bảo hộ được quy định tại Điều 76 Luật Sở hữu trí tuệ
“Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”
- Theo đó tên thương mại trong hệ thống nhượng quyền giúp đồng nhất người nhượng quyền và người nhận quyền trong hoạt động kinh doanh. Khả năng phân biệt của tên thương mại khi đó không chỉ là phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác mà là phần biệt cả hệ thống nhượng quyền này với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực, khu vực kinh doanh
3. Bí quyết kinh doanh
- Khác với tên thương mại hay nhãn hiệu dùng để nhận diện bên ngoài của sản phẩm, dịch vụ bí quyết kinh doanh chính là yếu tố làm nên giá trị cốt lõi bên trong.
- Nếu hệ thống nhượng quyền đồng bộ bên ngoài nhưng lại khác nhau về chất lượng thì hệ thống nhượng quyền đó khó có thể thành công và giữ chân khách hàng.
- Hiện nay trong cả Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật khác đều không có quy định nào về bí quyết kinh doanh mà chỉ có quy định về điều kiện được bảo hộ làm bí mật kinh doanh được quy định tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ:
“Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.”
- Theo đó có thể hiểu bí mật kinh doanh là những yếu tố bí mật mà chủ kinh doanh nắm giữ, tạo nên giá trị, thành công của chủ kinh doanh. Bí mật này không phải là hiểu biết thông thường mà ai cũng có thể năm giữ và phải được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp khác nhau để không lộ ra ngoài.
- Việc bí quyết kinh doanh trong nhượng quyền thương mại có được hiểu là bí mật kinh doanh trong sở hữu trí tuệ hay không cũng không có văn bản hay quy định pháp luật nào quy định. Khi gặp tranh chấp về bí quyết kinh doanh trong nhượng quyền thương mại sẽ phải phụ thuộc vào quan điểm của toà.
4. Khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh
- Đây cũng là những yếu tố không nhỏ góp phần xây dựng nên gói quyền thương mại của bên nhượng quyền. Các bên khi chuyển giao quyền thương mại cho nhau cũng đồng thời chuyển giao cả biểu tượng kinh doanh và khẩu hiệu kinh doanh.
- Tuy nhiên hiện nay Luật sở hữu trí tuệ lại không quy định khẩu hiệu kinh doanh và biểu tượng kinh doanh là đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ.
- Trên thực tế để bảo vệ khẩu hiệu kinh doanh và biểu tượng kinh doanh khỏi hành vi xâm phạm thì bên nhượng quyền thương đăng ký bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu.
Trên đây nội dung về Sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thương mại hy vọng có ích cho Quý bạn đọc.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Asklaw để được hỗ trợ tốt nhất.
Địa chỉ: Số 3, ngõ 76/8 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Số điện thoại. 0962.976.053/024.6681.0622.
Trân trọng và cảm ơn!