Bán hàng xách tay có vi phạm sở hữu trí tuệ không?

Câu hỏi: Chào luật sự, tôi có câu hỏi muốn hỏi luật sư, tôi có người thân ở nước ngoài, thỉnh thoảng khi người thân về Việt Nam tôi có nhờ xách tay hộ sản phẩm chính hãng của Adidas để bán. Vậy luật sư cho tôi hỏi tôi mua sản phẩm chính hãng và mua hàng xách tay đúng theo quy định của pháp luật thì tôi có vi phạm quy định pháp luật không và công ty Adidas có quyền cấm thôi bán những sản phẩm đó không. 

Câu trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Asklaw, Luật sư tư vấn về “bán hàng xách tay có vi phạm sở hữu trí tuệ không? ” như sau:

I. Căn cứ pháp lý

  • Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009,2019.
  • Nghị định số 103/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
  • Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 99/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

II. Nội dung

  •  Theo Điểm b, khoản 2 Điều 125 LSHTT quy định: “Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:…

“b) Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài”.

  • Trong đó, khái niệm “lưu thông” được định nghĩa tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP là

“bao gồm cả hành vi bán, trưng bày để bán, vận chuyển sản phẩm”.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, Luật sư đưa ra nhận định như sau:

  • Thứ nhất, sản phẩm quần áo và giày thể thao gắn nhãn hiệu Adidas đã được Công ty Adidas sản xuất và đưa ra thị trường. Bằng chứng là bạn đã nhờ người thân mua và xách tay về Vệt Nam.
  • Thứ hai, Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, thì việc bạn bán sản phẩm adidas được xác định là hành vi lưu thông hàng hóa. Và, đối tượng của hoạt động nhập khẩu, lưu thông này chính là những sản phẩm do chính Công ty Adidas sản xuất và đưa ra thị trường, không phải là sản phẩm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Tức là, đối tượng của hành vi của bạn (những sản phẩm mà bạn nhập về để bán) không phải là đối tượng xâm phạm quyền SHTT đối với Công ty Adidas.
  • Thứ ba, hành vi nhập khẩu, lưu thông những sản phẩm quần áo và giày thể thao mang nhãn hiệu Adidas là hợp pháp và không xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu. Có thể thấy hành vi nhập khẩu, lưu thông những sản phẩm này là hợp pháp, mang bản chất của hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường.

+ sau khi thực hiện xong hoạt động mua bán, người mua (người thân của bạn) có quyền sở hữu và quyền chuyển giao quyền sở hữu đối với sản phẩm đó một cách hợp pháp.

+ Bên cạnh đó, việc bạn nhờ người quen mua và xách tay về bạn có nhắc đến là xách tay về theo quy định pháp luật, luật sư hiểu rằng người thân của bạn đã tuân thủ quy định về hải quan.

--> Cho nên, việc bạn bán những sản phẩm do người thân của bạn “xách tay” về cũng không có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do bạn đã nhập khẩu sản phẩm chính hãng của Công ty Adidas  qua chủ sở hữu hợp pháp của những sản phẩm này (người thân của bạn) nên đây được coi là hành vi nhập khẩu song song theo Khoản Điều 18 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN.

“1. Nhập khẩu song song theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 99/2013/NĐ-CP là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm do chính chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài một cách hợp pháp, mặc dù không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi nhập khẩu song song không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và không bị xử phạt vi phạm hành chính.”

Mà, căn cứ khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi nhập khẩu song song không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và không bị xử phạt vi phạm hành chính, tức là, hành vi của bạn không xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu Adidas của Công ty Adidas AG.

Từ những phân tích trên, Luật sư kết luận rằng hành vi của bạn không vi phạm xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu Adidas mà Công ty Adidas là chủ sở hữu. Do đó, bạn không vi phạm pháp luật và Công ty Adidas AG không có quyền ngăn cấm bạn bán sản phẩm adidas mà người thân của bạn xách tay về theo quy định tại khoản 1 Điều 125 LSHTT. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty TNHH Asklaw về “bán hàng xách tay có vi phạm sở hữu trí tuệ không?”, hy vọng sẽ có ích cho bạn.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Asklaw để được hỗ trợ tốt nhất.

Địa chỉ: Số 3, ngõ 76/8 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Số điện thoại. 0962.976.053/024.6681.0622.

Trân trọng và cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.