1. Chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Nói cách khác, chỉ dẫn địa lý chính là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa như từ ngữ, dấu hiệu, hình ảnh để chỉ một quốc gia, một vùng lành thổ, một địa phương mà hàng hóa được sản xuất ra từ đó. Ví dụ: Nước mắm Phú Quốc; Cà phê nhân Buôn Ma Thuột…vv
Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.
Nếu chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hoá thì việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tên gọi xuất xứ hàng hoá.
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về nhà nước. Và chỉ có nhà nước mới là chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý. Cho nên, Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng và Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng không được chuyển giao.
2. Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý muốn được bảo hộ thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Như vậy, để có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, thì cần phải tồn tại một địa danh và tại địa danh này một loại sản phẩm nào đó được sản xuất ra mà danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của sản phẩm được quyết định bởi những điều kiện địa lý của địa danh đó. Ví dụ: Bưởi Đoan Hùng; Vải thiều Thanh Hà; Gạo Tám Xoan; Chè san tuyết Mộc Châu … là một số chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của nước ta.