Các công trình, các trường hợp được miễn xin giấy phép xây dựng mới nhất năm 2020. Các loại công trình nào được miễn xin giấy phép xây dựng? Các trường hợp nào được miễn xin giấy phép xây dựng?
1. Giấy phép xây dựng là gì? Các loại giấy phép xây dựng?
Theo khái niệm pháp lý của Luật Xây dựng 2014 đưa ra thì Giấy phép xây dựng được hiểu là một loại văn pháp lý mà chủ đầu tư, người thực hiện xây dựng công trình nhà ở, công trình khác trên đất cần có khi tiến hành xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo (thường phải có sự thay đổi kết cấu hạ tầng, bố cục so với công trình cũ), di dời công trình. Giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, bao gồm: Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tùy thuộc vào quy mô, tính chất công trình mà chủ đầu tư sẽ xin cấp phép xây dựng tại cơ quan có thẩm quyền nhất định.
Trước khi tiến hành khởi công để xây dựng, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình thì chủ đầu tư, người đứng đầu chịu trách nhiệm xây dựng phải xin cấp giấy phép xây dựng. Sau khi được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép thì chủ thể mới được phép làm và phải làm theo như đúng hồ sơ đã xin cấp phép.
Tùy vào mục đích xây dựng, Giấy phép xây dựng được chia làm ba loại:
+ Giấy phép xây dựng mới
+ Giấy phép sửa chữa, cải tạo
+ Giấy phép di dời công trình
Việc cấp phép xây dựng có hai trường hợp như sau:
+ Giấy phép xây dựng có thời hạn: là loại giấy phép được cơ quan nhà nước phê duyệt để tiến hành xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ sử dụng có thời hạn dựa theo quy hoạch xây dựng.
+ Giấy phép xây dựng theo giai đoạn: là loại giấy phép được cơ quan nhà nước phê duyệt để tiến hành xây dựng công trình hoặc dự án chưa được thực hiện xong cho từng phần của công trình hoặc của từng công trình dựa trên bản vẽ thiết kế xây dựng.
2. Các trường hợp miễn xin Giấy phép xây dựng
Dựa theo quy định tại Điều 89 Luật Xây dựng 2014 thì những loại công trình, những trường hợp dưới đây khi xây dựng, sửa chữa, cải tạo không cần thiết phải xin cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng:
Thứ nhất, những trường hợp không cần xin Giấy phép và cũng không cần thông báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
+ Công trình xây dựng trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ và những lĩnh vực khác theo quy định pháp luật mà phải bảo đảm bí mật theo yêu cầu của Nhà nước khi hoạt động đầu tư xây dựng; công trình được xây dựng có diện tích đất thuộc hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên theo yêu cầu xây dựng khẩn cấp.
+ Công trình xây dựng tạm thời để nhằm mục đích phục vụ thi công cho một công trình khác là công trình chính – công trình đã được cấp giấy phép xây dựng, có quy mô và công năng là yếu tố quan trọng để quyết định đầu tư của dự án.
+ Công trình xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đáp ứng được tất cả những tiêu chí sau đây: nằm trong dự án phát triển đô thị hoặc nằm trong dự án phát triển nhà ở có quy mô theo quy định (nhà ở không quá 7 tầng, tổng diện tích sàn không được lớn hơn 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500).
+ Công trình chỉ tiến hành sửa chữa, cải tạo hoặc lắp đặt các thiết bị nằm trong công trình. Việc thay đổi những nội dung này không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, không làm biến đổi công dụng công trình, không làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh và an toàn cho chính công trình đó. Tóm lại so với bản vẽ thiết kế cũ thì việc sửa chữa, thay đổi công trình không được làm thay đổi cơ bản kết cấu cũ của ngôi nhà.
+ Công trình chỉ tiến hành sửa chữa, cải tạo có làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài so với bản vẽ thiết kế công trình trước tuy nhiên bề mặt có thay đổi này không nằm tiếp giáp với đường trong đô thị mà ở khu vực đó có quy định cần phải quản lý kiến trúc.
+ Công trình xây dựng tại vùng nông thôn và phải là vùng chưa có quy hoạch để phát triển thành đô thị và đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt.
+ Nhà ở riêng lẻ của người dân tại nông thôn, trừ những nhà ở riêng lẻ nằm trên phần diện tích đất thuộc khu vực mà Nhà nước xác định hoặc có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa.
Thứ hai, những trường hợp không cần xin Giấy phép tuy nhiên chủ đầu tư trước khi khởi công vẫn cần phải thực hiện thông báo thời điểm khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương. Chủ đầu tư cần nộp hồ sơ thiết kế xây dựng để cơ quan có thẩm quyền quản lý, theo dõi và lưu trữ hồ sơ.
+ Những công trình thuộc dự án đầu tư cấp trung ương được người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, bao gồm: Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
+ Công trình xây dựng với hướng tuyến (đường cáp viễn thông, đường dẫn khí, cấp thoát nước, đường bộ, …) hướng ra ngoài đô thị và phải phù hợp với quy hoạch xây dựng có hướng tuyến công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.
+ Công trình xây dựng thuộc một trong các dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định phê duyệt và đã qua thẩm định thiết kế xây dựng, thuộc một trong những khu: khu phát triển công nghiệp theo hướng đảm bảo cân bằng kinh tế – xã hội – môi trường, khu công nghiệp chuyên dụng để chế biến các sản phẩm đưa ra thị trường nước ngoài hoặc liên quan đến xuất nhập khẩu, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500.
+ Công trình xây dựng tại khu vực nông thôn và khu vực này chưa có quy hoạch chi tiết được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt xây dựng điểm dân cư nông thôn có yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng theo luật định.