Điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN)
Căn cứ quy định Luật Doanh nghiệp 2020 (có hiệu lực 01/01/2021);
Căn cứ Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực 01/01/2021).
Theo quy định Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020, thì Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể thành lập doanh nghiệp
Được quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020: “Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh
Khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp có quy định doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh những ngành, nghề không bị cấm đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, Điều 6 Luật Đầu tư 2020 có quy định 8 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh:
- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
- Kinh doanh mại dâm;
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Vậy là, ở Luật Đầu tư 2020 có bổ sung thêm 02 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh so với Luật Đầu tư 2014 là: “Kinh doanh pháo nổ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Như vậy, ngoài những ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh theo luật thì cá nhân, tổ chức có quyền tự do lựa chọn ngành nghê mà pháp luật không cấm.
Điểm b Khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định: “Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này;”. Theo đó, tên doanh nghiệp được đặt tên tiếng Việt gồm loại hình doanh nghiệp và tên riêng trong đó tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu; tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, tên doanh nghiệp không thuộc trường hợp cấm theo Điều 38 Luật này, và tuân theo Điều 39 khi tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và Điều 41 đối với trùng, tên gây nhầm lẫn.
- Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ
Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Luật này và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đối với từng loại doanh nghiệp thì sẽ có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp khác nhau, quy định từ Điều 19 đến Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp
Người thành lập doanh nghiệp hoặc được ủy quyền thành lập doanh nghiệp phải nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký kinh doanh. Lệ phí được quy định tại Thông tư 215/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Căn cứ vào nội dung trên, chỉ cần đáp ứng các điều kiện trên thì Doanh nghiệp sẽ được Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) theo Luật Doanh nghiệp 2020.
Trên đây là nội dung giải đáp của Asklaw về việc “Điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN)”, rất mong có ích cho Quý đọc giả. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Asklaw; Địa chỉ Số 64a ngõ Trại Cá, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; Điện thoại: 024.6681.0662/Email: info@asklaw.com.vn.
Trân trọng và cảm ơn.