Câu hỏi: Chào luật sư, tôi có câu hỏi mong được luật sư giải đáp, tôi là lao động tự do trước có làm thuê cho một cửa hàng sửa chữa đồ điện hơn một năm, tôi và chủ cửa hàng không ký hợp đồng lao động, năm ngoái do tình hình dịch bệnh khó khăn nên tôi về quê tránh dịch. Đến nay đã hơn một năm tôi về quê nhưng chủ cửa hàng vẫn chưa trả tôi tiền lương. Tôi có thể làm gì để đòi lại tiền lương của mình.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Asklaw, Luật sư tư vấn về “Đòi tiền lương khi không ký hợp đồng lao động ” như sau:
I. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật lao động 2019
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng
II. Nội dung
1. Những hành vi vi phạm của người sử dụng lao động
Thứ nhất, là hành vi không ký hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động được định nghĩa tại Khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động 2019
“Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”
- Theo đó có thể trên thực tê trước khi vào làm, bạn và công ty đã có những thỏa thuận về những vấn đề có trong hợp đồng như tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
- Trường hợp trước khi vào làm bạn và người sử dụng lao động không có những thỏa thuận trên thì người sử dụng lao động đã vi phạm Khoản 2 Điều 13 Bộ luật lao động 2019
“Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”
- Tuy nhiên với trường hợp bạn là lao động làm việc hơn một tháng thì hợp đồng phải được ký bằng văn bản, nếu những nội dung về tiền công, tiền lương,… chỉ được thỏa thuận miệng thì sẽ không được công nhận là hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Bộ luật lao động 2019
“Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.”
- Trong tình huống của bạn, bạn và chủ cửa hàng không ký hợp đồng lao động, trong khi bạn đã làm công việc trên 1 tháng nên chủ cửa hành đã vi phạm quy định pháp luật và phải chịu phạt hành chính theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP vi phạm quy định về giao kết hợp đồng
- Ngoài hành vi không ký hợp đồng lao động với bạn, chủ cửa hàng còn có hành vi vi phạm pháp luật về việc không thanh toán tiền lương cho bạn, và chủ cửa hàng sẽ bị phạt hành chính theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về tiền lương
“2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật
Thứ nhất là Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
- Căn cứ Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, việc khiếu nại tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ được tiếp nhận sau khi đã tiến hành khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó.
- Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.
- Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), kể từ ngày thụ lý; Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.
Thứ hai là Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động
- Theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động (căn cứ Điều 188 BLLĐ năm 2019).
- Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra.
- Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết
Thứ ba là giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động
- Theo Điều 189 Bộ luật Lao động năm 2019, cách này được tiến hành sau khi đã trải qua bước hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động. Đồng thời chỉ giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn.
- Thời hiệu yêu cầu: 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm.
- Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập.
- Quyết định của Ban trọng tài lao động về việc giải quyết tranh chấp sẽ được gửi cho các bên. Trường hợp một bên không thi hành quyết định này thì bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thứ tư là khởi kiện tại Tòa án
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.
- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.
Lưu ý: Do trường hợp của bạn không có hợp đồng lao động nên có thể quá trình yêu cầu giải đòi quyền lợi sẽ tương đối khó khăn. Bạn nên chuẩn bị sẵn các tài liệu, chứng cứ liên quan đến thỏa thuận công việc để làm chứng cứ như: Ảnh chụp tin nhắn, mail,…
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty TNHH Asklaw về “Đòi tiền lương khi không ký hợp đồng lao động”, hy vọng sẽ có ích cho bạn.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Asklaw để được hỗ trợ tốt nhất.
Thông tin liên hệ:
Gmail: Luatasklaw@gmail.com
Hotline: 0962.976.053/024.6681.0622
Đia chỉ: Công ty Luật TNHH Asklaw, địa chỉ: Số 3, ngõ 76/8 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Trân trọng và cảm ơn