Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Xin chào Quý bạn đọc, cảm ơn bạn đã quan tâm đến website của Asklaw.com.vn. Công ty Luật TNHH Asklaw xin chia sẻ với bạn về “Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài” như sau:

I. Cơ sở pháp lý

Luật Trọng tài thương mại 2010

II. Nội dung

Trọng tài là một trong các hình thức giải quyết tranh chấp trong thương mại của doanh nghiệp. Điều 4 của Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về nguyên tắc giải quyết tranh cháp bằng trọng tài, bao gồm các nguyên tắc sau:

1. Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội

Nguyên tắc này thể hiện sự tự do thỏa thuận của các bên trong tranh chấp khi lựa chọn trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Bằng sự tự do đó, các bên tranh chấp có quyền thỏa thuận lựa chọn hình thức Trung tâm trọng tài, Trọng tài viên… sẽ giải quyết tranh chấp cho mình. Điều này khác với việc giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án.

Bên cạnh thỏa thuận lựa chọn trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp cho mình, các bên khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài còn có quyền thỏa thuận địa điểm xét xử, thời điểm xét xử, thời gian xét xử, ngôn ngữ xét xử… và trọng tài phải tôn trọng sự lựa chọn đó, miễn là thở thuân không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

2. Trọng tài viên phải độc lập khách quan, vô tư và tuân theo quy định pháp luật

Nguyên tắc này không chỉ áp dụng riêng đối với hình thức trọng tài mà là nguyên tắc chung của tố tụng. Nguyên tắc này đảm bảo việc xét xử của trọng tài  hay cơ quan tài phán được khách quan, vô tư, đúng pháp luật; là cơ sở quan trọng cho việc những phát quyết, bản án, quyết định sẽ được tuyên một cách hợp lý, hợp pháp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; tạo niềm tin cho các chủ thể kinh doanh khi phát sinh tranh chấp lựa chọn trọng tài hay tòa án là cơ quan giải quyết cho mình.

3. Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Giống như nguyên tắc trên, nguyên tắc này cũng là nguyên tắc chung của tố tụng. Việc quy định nguyên tắc này thực sự có ý nghĩa đối với các bên tranh chấp, bởi vì, nếu không đảm bảo quyền bình đẳng giữa các bên trong tố tụng, quyền lợi của các bên tranh chấp sẽ không được bảo đảm

4. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác

Nguyên tắc xét xử không công khai được hiểu là phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài được tiến hành không công khai, chỉ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ tranh chấp mới được quyền tham dự.

Nguyên tắc này giúp cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo được bí mật và giữ được uy tín của các bên tranh chấp. Khác hoàn toàn so với tố tụng tại tòa án vì nguyên tắc xét xử của tòa án là phải công bằng, công khai và kịp thời, mọi người đều có quyền tham dự trừ trường hợp đặc biệt như giữ bí mật kinh doanh, bảo vệ người chưa thành niên…

Chính vì sự khác biệt này mà hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đang dần trở thành hình thức giải quyết tranh chấp được các nhà kinh doanh trên thế giới ưa chuộng và sử dụng phổ biến

5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm

Nguyên tắc này còn được hiểu là nguyên tức xét xử một lần. Đây là điểm đặc biệt của hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại khác so với nguyên tắc xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Phán quyết trọng tài là chung thẩm nghĩa là khi trọng tài đã ra phán quyết sẽ có hiệu lực thi hành ngay mà không có kháng cáo, kháng nghị. Nguyên tắc này khiến việc giải quyết tranh chấp kết thúc nhanh chóng, dứt điểm, tránh kéo dài vì phải qua nhiều cấp xét xử.

Tuy nhiên đây cũng là điểm yếu của hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại vì nếu phán quyết của trọng tài là sai, phán quyết đó sẽ có hiệu lực thi hành ngay mà không có cơ hooij sửa như bản án, quyết định của tòa án. Do đó, trọng tài viên phải có trình độ chuyên môn giỏi, có kỹ năng, kinh nghiệm tranh tụng, đạo đức nghề nghiệp để có thể bảo vệ tối đa quyền lợi của các bên và giữ uy tín trọng tài viên của mình.

Trên đây là thông tin của Công ty Luật TNHH Asklaw về “Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”hy vọng sẽ có ích cho bạn.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Asklaw để được hỗ trợ tốt nhất.

Thông tin liên hệ:

Gmail: Luatasklaw@gmail.com

Hotline: 0962.976.053/024.6681.0622

Đia chỉ: Công ty Luật TNHH Asklaw, địa chỉ: Số 79 phố Thiên Hiền , phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Trân trọng và cảm ơn!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.