Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi muốn hỏi luật sư như sau, tôi là công nhân trong nhà máy gạch, trong quá trình làm việc không may bị tai nạn gạch đổ vào người và phải điều trị trong bệnh viện 1 tháng. Sau khi ra viện tôi được xác định suy giảm 35% khả năng lao động. Luật sư cho tôi hỏi những quyền lợi mà tôi được nhận từ phía công ty là gì?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Asklaw, Luật sư tư vấn về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động như sau:
I. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật lao động năm 2019
- Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 (Luật ATVSLĐ)
II. Nội dung
- Quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao độn bị tai nạn lao động được quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015.
Theo đó những quyền lợi mà bạn sẽ nhận được từ phía công ty là:
- Thứ nhất, công ty phải thanh toán các chi phí y tế và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả
- Thứ hai, công ty phải trả tiền lương cho bạn trong khoảng thời gian một tháng bạn nằm viện và thời gian bạn phải điều trị, phục hồi chức năng lao động (nếu có).
- Thứ ba, Công ty có trách nhiệm giới thiệu bạn đi giám định y khoa để xác định mức độ thương tật, mức độ suy giảm khả năng lao động, điều dưỡng phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.
- Thứ năm, Bạn sẽ được bồi thường hoặc trợ cấp trong các trường hợp:
+ Trường hợp thứ nhất: Tai nạn không hoàn toàn do lỗi của bạn: Căn cứ điểm a khoản 4 điều 38 Luật ATVSLĐ năm 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường “ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%”. Bạn được xác định suy giảm 35% khả năng lao động, như vậy khoản tiền bạn được công ty bồi thường sẽ là: 1,5+ (25×0.4) = 1,5+10 =11,5 tháng lương.
+ Trường hợp thứ hai: Tai nạn hoàn toàn do lỗi của bạn. Trong trường hợp này bạn sẽ được trợ cấp theo quy định tại khoản 5 điều 38 luật ATVSLĐ năm 2015 “Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng”. Như vậy, bạn sẽ được công ty trợ cấp ít nhất 40% của 11,5 tháng tiền lương = 40% x 11,5 = 4,6 tháng lương.
+ Trường hợp thứ ba: Trường hợp công ty đã mua bảo hiểm tai nạn cho bạn tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì bạn được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho bạn thấp hơn mức quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 của Luật ATVSLĐ, thì công ty phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền bạn nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 của Luật này (khoản 3 điều 39 LATVSLĐ 2015).
- Thứ sáu, được hỗ trợ tiền chuyển đổi công việc. Công ty phải sắp xếp công việc mới phù hợp với sức khỏe, nếu phải đào tạo người lao động để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phí. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá mười lăm lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần ( Điều 55 Luật ATVSLĐ 2015)
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty TNHH Asklaw về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, hy vọng sẽ có ích cho Quý khách hàng.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Asklaw để được hỗ trợ tốt nhất.
Địa chỉ: Số 3, ngõ 76/8 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Số điện thoại. 0962.976.053/024.6681.0622.
Trân trọng và cảm ơn!