Câu hỏi: Thưa Luật sư, Cha tôi chết đi có để lại di sản là 2 sổ tiết kiệm trị giá 10 tỷ đồng, không có di chúc. Tôi là con riêng của ba tôi và mẹ tôi. Nhưng cha tôi vẫn còn vợ lớn và 2 người con khác. Sau khi cha tôi mất, tôi nộp đơn khởi kiện bà lớn vì bà không chấp nhận chia di sản cho tôi. Trước đó, bà lớn đã rút toàn bộ số tiền trên mà không có thỏa thuận nào với tôi.
Tôi được biết, bà đã làm văn bản thừa kế do tổ chức công chứng trên địa bàn X chứng nhận để được rút tiền. Tôi xin hỏi: tại sao Phòng công chứng X lại chứng nhận văn bản thừa kế đó khi 2 sổ tiết kiệm do ngân hàng ở thành phố Y phát hành (vì theo tôi được biết tài sản ở đâu thì phải công chứng ở tổ chức công chứng thuộc tỉnh, thành phố đó). Tôi sẽ được quyền lợi gì trong vụ kiện không?
Luật sư trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Asklaw, Luật sư/Asklaw xin đưa ra nội dung tư vấn đối với trường hợp của bạn cụ thể như sau:
Vấn đề thứ nhất, công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Công chứng viên có thẩm quyền công chứng tất cả các hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 42 Luật Công chứng 2014 về thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản, như sau:
Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.
Như vậy, đối với hợp đồng, giao dịch về bất động sản thì công chứng viên chỉ được công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Còn đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản; di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản; hợp đồng, giao dịch khác không có đối tượng là bất động sản (như hợp đồng ủy quyền…) thì công chứng viên có thể chứng nhận bất kỳ hợp đồng, giao dịch nào theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng, không phân biệt tài sản đó ở đâu.
Đối với trường hợp của bạn, tài sản là động sản (sổ tiết kiệm), không phải là bất động sản nên công chứng viên không bị hạn chế theo quy định tại Điều 42 Luật Công chứng 2014 ; và công chứng viên thuộc Phòng/ Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh X vẫn có quyền công chứng giao dịch liên quan đến sổ tiết kiệm đó cho dù Sổ tiết kiệm do Ngân hàng ở thành phố Y phát hành.
Về quyền lợi của bạn:
Theo Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 về người thừa kế theo pháp luật: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Từ quy định trên thì bạn đương nhiên có quyền đối với di sản do bố bạn để lại, cho dù là con trong giá thú hay con ngoài giá thú. Và bạn cùng với những người thừa kế khác của bố bạn: bố mẹ của bố bạn (nếu còn sống); bà vợ; hai người con sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Hiện nay, do di sản của bố bạn đã được người vợ và các con của ông phân chia nên việc của bạn sẽ được giải quyết theo Điều 662 Bộ luật Dân sự 2015 về phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế, cụ thể như sau: Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.