Điều kiện chọn luật trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Xin chào Quý bạn đọc, cảm ơn bạn đã quan tâm đến website của Asklaw.com.vn. Công ty Luật TNHH Asklaw xin chia sẻ với bạn về “Điều kiện chọn luật trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài” như sau:

Bộ luật Dân sự 2015 cho phép các bên tự do chọn luật trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên nguyên tắc tự do này vẫn phải tuân theo các điều kiện nhất định. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về điều kiện chọn luật trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

I. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

II. Nội dung:

1. Việc chọn luật trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên

Xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận trong quan hệ hợp đồng, pháp luật Việt Nam thừa nhận luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố ngước ngoài trước tiên là luật do các bên tham gia quan hệ hợp đồng thỏa thuận chọn.

Việc lựa chọn này phải đáp ứng những điều kiện do chính hệ thống pháp luật đó đặt ra.

2. Các bên chỉ được chọn luật trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài khi mà điều ước quốc tế hoặc pháp luật Việt Nam cho phép

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

“Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thoả thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.”

Theo đó, các trường hợp không được áp dụng chọn luật bao gồm:

Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản

Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng

Các bên có thể thoả thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.

3. Hậu quả của việc áp dụng luật chọn trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam

Hệ thống pháp luật của các quốc gia, các vùng lãnh thổ sẽ tồn tại sự khác nhau trong những quy định về cùng một vấn đề. Nguyên nhân là do sự khác nhau về truyền thống, dân tộc, trình độ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, khi áp dụng luật nước ngoài vào trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài có thể làm phát sinh hậu quả pháp lý khác hoặc vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam..

Để giải quyết vấn đề này, Điểm a Khoản 1 Điều 670 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả của việc áp dụng luật lựa chọn không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam bao gồm:

  • Nguyên tắc tuân theo pháp luật và bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp
  • Nguyên tắc pháp luật phải thể hiện được ý chí của các tầng lớp nhân dân lao động
  • Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật
  • Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền công dân và quyền con người
  • Nguyên tắc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản
  • Nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc

4. Các bên chỉ được chọn các quy phạm thực chất

Quy phạm thực chất là quy phạm định sẵn các quyền, nghĩa vụ, biện pháp chế tài đối với các chủ thể tham gia quan hệ tư pháp quốc tế.

Trong thực tiễn việc điều chỉnh các hợp đồng có yếu tố nước ngoài được áp dụng bởi các quy phạm thực chất thống nhất là quy phạm thực chất được xây dựng bằng cách các quốc gia kí kết, tham gia các điều ước quốc tế hoặc chấp nhận và sử dụng tập quán quốc tế.

Các bên chỉ có quyền chọn các quy phạm thực chất trong một hệ thống pháp luật cụ thể hoặc trong các tập quán quốc tế cụ thể bởi mục đích của việc chọn luật là để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

Nếu các bên chọn các quy phạm xung đột thì có thể dẫn chiếu đến một hệ thống pháp luật nằm ngoài mong muốn của các bên. Như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc chọn luật ban đầu của các bên dẫn đến hậu quả không mong muốn khi thực hiện hợp đồng.

Trong quá trình chọn luật, nếu hai bên chỉ chọn pháp luật của một quốc gia mà không nêu rõ là chọn văn bản pháp luật cụ thể nào thì sẽ được hiểu là chọn toàn bộ các quy phạm thực chất có liên quan trong hệ thống pháp luật của quốc gia đó.

Trên đây là thông tin của Công ty Luật TNHH Asklaw về “Chọn luật trong hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài”, hy vọng sẽ có ích cho bạn.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Asklaw để được hỗ trợ tốt nhất.

Thông tin liên hệ:

Gmail: Luatasklaw@gmail.com

Hotline: 0962.976.053/024.6681.0622

Đia chỉ: Công ty Luật TNHH Asklaw, địa chỉ: Số 79 phố Thiên Hiền , phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Trân trọng và cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.