Quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Xin chào Quý bạn đọc, cảm ơn bạn đã quan tâm đến website của Asklaw.com.vn. Công ty Luật TNHH Asklaw xin chia sẻ với bạn về “Quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh” như sau:

Ngày nay, sự phát triển của mạng xã hội và truyền thông đem lại nhiều rủi ro cho nhiều người khi hình ảnh cá nhân bị sử dụng mà không được sự cho phép của người đó. Do đó, mỗi cá nhân cần phải hiểu rõ quy định pháp luật về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình như thế nào.

Quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh

I. Cơ sở pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

II. Nội dung

1. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là gì

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân của cá nhân đó. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh nằm trong nhóm quyền nhân thân cá biệt hóa cá nhân bởi thông qua hình ảnh của một cá nhân mà phân biệt được sự khác nhau giữa cá nhân này và cá nhân khác. Do đó, khi sử dụng hình ảnh của bất cứ ai cũng phải được người đó cho phép và đồng ý.

Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 công nhận quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình như sau:

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Cá nhân là người có quyền đối với hình ảnh của mình, quyền của cá nhân được thể hiện như: cá nhân được trực tiếp sử dụng hình ảnh, quảng bá hình ảnh của bản thân, được đăng tải, công khai hình ảnh với các mục đích hợp pháp của cá nhân… hoặc cá nhân được quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Khi muốn sử dụng hình ảnh của người khác thì phải được người đó đồng ý và nếu việc sử dụng hình ảnh đỏ vì mục đích thương mại thì người sử dụng phải trả thù lao cho người có hình ảnh.

2. Trường hợp được sử dụng hình ảnh của người khác không cần xin phép

Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Pháp luật luôn đặt lợi ích của quốc gia và cộng đồng lên ưu tiên hàng đầu. Do đó, nếu việc sử dụng hình ảnh cá nhân nhằm hướng tới những lợi ích này thì không cần thiết phải có sự đồng ý của người có hình ảnh.

Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh trong các trường hợp này thường mang tính chất về thông tin, đưa tin về các hoạt động công cộng nói chung

3. Cần làm gì khi bị xâm phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Yêu cầu bồi thường thiệt hại

Khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, khi bị lấy thông tin (trong đó có hình ảnh) làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Do đó, khi quyền hình ảnh bị xâm hại, nếu có thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín… thì hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, mức bồi thường sẽ gồm: Chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thiệt hại về tinh thần; thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất…

Mức bồi thường này các bên hoàn toàn có thể thoả thuận được với nhau. Nếu không thoả thuận được thì căn cứ vào thiệt hại thực tế để tính. Riêng thiệt hại về tinh thần thì tối đa sẽ không quá 10 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ Nghị quyết 69 về mức lương cơ sở, từ 01/7/2023, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó hiện nay mức tối đa bồi thường tinh thần là 18,0 triệu đồng.

Tố cáo với cơ quan công an

Khi bị đăng ảnh không xin phép, nạn nhân có thể làm đơn tố cáo với cơ quan công an cấp xã nơi người này cư trú (thường trú hoặc tạm trú). Trong đó, đơn tố cáo cần nêu rõ các nội dung:

– Họ tên người tố cáo.

– Nội dung tố cáo về việc bị xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân như thế nào.

– Ngày, tháng, năm tố cáo.

– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm… từ việc bị sử dụng hình ảnh không xin phép…

Khởi kiện ra Tòa án

Ngoài việc tố cáo, người bị xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi này gây ra. Việc nộp đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Trong đó, người khởi kiện phải làm đơn khởi kiện nêu rõ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng thế nào khi quyền hình ảnh của mình bị xâm phạm.

Khi làm đơn cùng với tài liệu, chứng cứ cho hành vi này, nạn nhân có thể gửi đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người tự ý đăng ảnh, sử dụng hình ảnh của mình không xin phép cư trú, làm việc.

Trên đây là thông tin của Công ty Luật TNHH Asklaw về “Quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh”hy vọng sẽ có ích cho bạn.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Asklaw để được hỗ trợ tốt nhất.

Thông tin liên hệ:

Gmail: Luatasklaw@gmail.com

Hotline: 0962.976.053/024.6681.0622

Địa chỉ: Công ty Luật TNHH Asklaw, địa chỉ: Số 79 phố Thiên Hiền , phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Trân trọng và cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.