Xin chào Quý bạn đọc, cảm ơn bạn đã quan tâm đến website của Asklaw.com.vn. Công ty Luật TNHH Asklaw sẽ thông tin tới bạn về ” Quy định xử phạt giả chữ ký trong di chúc ” như sau:
Ngoài việc làm giả di chúc thì hành vi giả chữ ký trong di chúc nhằm chiếm đoạt di sản là một trong những hành vi vi phạm pháp luật phổ biến hiện nay. Vậy có phải giả chữ ký trong di chúc sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự không?
1. Giả chữ ký trong di chúc bị phạt thế nào?
Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa về di chúc như sau:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Theo đó, di chúc có thể xem là văn bản thể hiện ý chí, mong muốn và được lập ra theo ý định của người để lại di chúc, do chính người để lại di chúc lập ra nhằm để tài sản của mình cho người khác sau khi người này chết; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế…
Do đó, di chúc hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan của người để lại di chúc. Bởi vậy, không phải mọi người thừa kế đều có thể hưởng di sản theo di chúc. Và khi đó, có không ít người thừa kế đã giả mạo chữ ký của người lập di chúc nhằm chiếm đoạt phần di sản mà mình không được hưởng trong di chúc.
Tuy nhiên, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật nên người giả chữ ký trong di chúc nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý như sau:
– Không được hưởng di sản thừa kế: Nếu người nào giả mạo, sửa chữa… di chúc nhằm hưởng một phần/toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì không được hưởng di sản trừ trường hợp người người lập di chúc biết nhưng vẫn cho người này hưởng theo di chúc (điểm d khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự).
– Bị phạt hành chính: Nếu dùng thủ đoạn gian dối trong đó có giả chữ ký của người để lại di chúc để chiếm đoạt tài sản của người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng (điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
– Chịu trách nhiệm hình sự: Về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự với các khung hình phạt sau đây:
+ Khung 01: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà vẫn tiếp tục vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
+ Khung 02: Phạt tù từ 02 – 07 năm: Phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt từ 50 – dưới 200 triệu đồng, tái phạm nguy hiểm…
+ Khung 03: Phạt tù từ 07 – 15 năm: Chiếm đoạt tài sản từ 200 – dưới 500 triệu đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh…
+ Khung 04: Phạt tù từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên…
+ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề, làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần/toàn bộ tài sản.
2. Làm sao để biết chữ ký trong di chúc là giả mạo?
Theo Điều 628 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc hiện có các hình thức sau đây:
– Di chúc bằng văn bản: Đây là loại di chúc được lập khi có hoặc không có người làm chứng; hoặc được công chứng hoặc được chứng thực.
– Di chúc miệng: Đây là loại di chúc khi người để lại di sản thừa kế không thể lập di chúc bằng văn bản do tính mạng đang bị đe doạ…
Do vậy, việc giả chữ ký trong di chúc chỉ xảy ra trong trường hợp người để lại di sản thừa kế lập di chúc bằng văn bản và có/không có người làm chứng, chứng thực/công chứng di chúc.
– Di chúc không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc (Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2015).
– Di chúc có người làm chứng: Có thể đánh máy hoặc nhờ người khác viết/đánh máy di chúc nhưng phải có ít nhất 02 người làm chứng và người lập di chúc phải ký/điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt người làm chứng. Đồng thời, người làm chứng phải xác nhận chữ ký, điểm chỉ và cũng phải ký vào văn bản.
– Di chúc có công chứng hoặc chứng thực: Tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã sẽ hướng dẫn người lập di chúc ký tên từng trang và ký, điểm chỉ vào trang cuối của bản di chúc.
Do đó, tất cả các hình thức di chúc bằng văn bản nêu trên đều cần phải có chữ ký của người viết di chúc, thậm chí trong trường hợp không có người làm chứng thì người viết di chúc còn phải tự viết, tự ký tên vào di chúc của mình.
Để xác định chữ ký trong di chúc là thật hay giả thì người thừa kế theo di chúc hoặc người thuộc hàng thừa kế có thể yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng giám định chữ ký khi có tranh chấp về việc thừa kế. Trong đó:
Hồ sơ
– Văn bản yêu cầu giám định.
– Bản di chúc có chữ ký cần giám định.
– Giấy tờ chứng minh tư cách yêu cầu giám định của người yêu cầu như: Nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thời gian giải quyết
Thời hạn giám định tối đa là 03 tháng và có thể kéo dài đến tối đa 04 tháng (khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp).
3. Trường hợp giám định chữ viết, chữ ký trong án dân sự
Theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trưng cầu giám định là một trong các biện pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ. Việc giám định trong đó có giám định chữ viết, chữ ký được thực hiện trong trường hợp nêu tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự gồm:
– Theo yêu cầu của đương sự và nếu thấy chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì nếu người đưa ra chứng cứ không rút lại thì người tố cáo có quyền hoặc Toà án có quyền quyết định trưng cầu giám định.
– Nếu Toà án từ chối yêu cầu giám định của đương sự thì các đương sự có thể tự mình yêu cầu giám định. Việc tự giám định phải được thực hiện trước khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Đồng thời, Thẩm phán sẽ ra quyết định trưng cầu giám định trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự.
Như vậy, việc giám định nói chung và giám định chữ ký, chữ viết nói riêng được thực hiện theo yêu cầu của đương sự hoặc theo quyết định của Toà án, có thể đương sự tự mình thực hiện hoặc yêu cầu Toà án thực hiện.
Trên đây là thông tin về Quy định xử phạt giả chữ ký trong di chúc hy vọng có ích cho Quý bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Asklaw để được hỗ trợ tốt nhất.
Thông tin liên hệ:
Gmail: Luatasklaw@gmail.com
Hotline: 0962.976.053/024.6681.0622
Đia chỉ: Công ty Luật TNHH Asklaw, địa chỉ: Số 3, ngách 76/8 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận cầu giấy, thành phố Hà Nội.
Trân trọng và cảm ơn!